Trang chủ Chương trình ngành nông nghiệp


Các loài địch hại trong ao nuôi tôm cần được xử lý

16/05/2022 10:15:33 AM
RSS In

Các loài địch hại trong ao nuôi tôm gồm: cua, còng, các loài cá dữ và cả chim, cò. Chúng được xem là mối nguy lớn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của tôm nuôi nếu ta không có biện pháp xử lý kịp thời.

Tác hại

Các loài địch hại trong ao nuôi cạnh tranh với tôm về môi trường sống, thức ăn. Dần dần, nếu tỷ lệ địch hại lớn hơn, thì tôm sẽ trở nên còi cọc, chậm lớn do thiếu dưỡng chất. Riêng những loài giáp xác như cua, còng, chúng thường đục phá, gây sạt lở và rò rỉ nước bờ ao, chúng cũng ăn tôm trong ao làm giảm số lượng. Hay những loài phàm ăn như cá chẽm, cá rô phi, cua..., khiến tỷ lệ tôm nuôi sẽ bị hao hụt, do phải làm thức ăn cho những loài kia. Và nếu như các loài địch hại dạng này có số lượng quá cao, thì số lượng tôm trong ao sẽ giảm thấp hơn cả số lượng cá, cua này. Hiện tượng này rất nguy hiểm vì người nuôi có thể sẽ không phát hiện được, trong khi thức ăn vẫn tiêu thụ bình thường.

Đặc biệt, các loài địch hại còn được xem là vật trung gian truyền bệnh nguy hiểm như: ký sinh trùng, nấm, virus… điển hình là những loài giáp xác khác như tôm bạc đất, các loài cá tạp... Ký sinh trùng là loài mà khi ở giai đoạn đầu, chúng phải phát triển trong một cơ thể khác trước, từ đó mới lây nhiễm cho vật chủ chính và bắt đầu gây hại. Bệnh đốm trắng, bệnh phân trắng, ở những căn bệnh nguy hiểm này, tác nhân đều phải có những vật trung gian. Và chính những loài địch hại này, khi cùng sống chung trong một thủy vực với tôm, chúng sẽ làm mức độ lây nhiễm của bệnh nhanh hơn, từ đó tỷ lệ nhiễm bệnh cũng tăng cao.

Ngoài ra những loài nhuyễn thể như ốc, vẹm, hến, trai, hàu hay sứa sẽ ăn tảo và hấp thụ muối carbonate, làm độ kiềm của môi trường giảm thấp. Khi đó, do thiếu kiềm, việc lột xác cứng vỏ của tôm sẽ bị ảnh hưởng, khoáng chất trong môi trường không đủ để giúp tôm hồi phục, dẫn đến hiện tượng tôm yếu ớt và không có đủ sức chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh.

 

Tuân thủ quy trình cải tạo ao nuôi sẽ hạn chế sinh vật gây hại trong ao nuôi tôm

Một số loài địch hại thường xuất hiện trong ao nuôi tôm cần được xử lý:

Các loài cá ăn mồi

Đây là những loài có sức tàn phá lớn đối với tôm non, gồm những loài cá phàm ăn như: cá chẽm, rô phi, cá tráp… rất có hại cho tôm. Bên cạnh đó, còn có một số loài cạnh tranh không gian và thức ăn của tôm như cá mòi… Đối với những loài cá này, có thể hạn chế bằng cách lấy nước vào và lọc qua lưới, hoặc túi lọc có kích thước nhỏ và diệt địch hại bằng hóa chất Saponin.

Giáp xác

Cua, còng, ghẹ, tôm tít… trong ao, là những kẻ săn mồi và cạnh tranh gây thiệt hại lớn đối với tôm. Chúng còn là nguyên nhân gây sạt lở bờ và rò rỉ nước ở hồ nuôi. Tuy nhiên trong quá trình diệt tạp, thì hầu như loài này không bị tiêu diệt, vì Saponin chỉ diệt được cá mà không diệt được giáp xác. Vì vậy, để hạn chế loài này, khi lấy nước vào ao cần phải được lọc kỹ qua túi lọc để trứng của giáp xác không vào trong ao. Khi cải tạo ao, có thể dùng đất đèn (canxi cacbua) cho vào lỗ cua, rồi đổ nước vào để tiêu diệt. Đắp lại lỗ rò rỉ, tránh thất thoát nước trong ao, xóa bỏ nơi ẩn nấp của sinh vật hại tôm. Trong quá trình nuôi, dùng lưới có mắt lưới lớn để bắt ghẹ, cua trong ao tôm.

Ốc đinh

Ở mật độ thấp, ốc đinh không làm ảnh hưởng đến tôm nuôi. Tuy nhiên, ở mật độ cao ốc đinh sẽ cạnh tranh thức ăn với tôm nuôi, làm cho tôm thiếu thức ăn, sức đề kháng yếu. Biện pháp kiểm soát loại địch hại này là lọc nước kỹ trước khi cấp vào ao. Khi ốc đã phát sinh trong ao thì phải vớt định kỳ. Người nuôi có thể sử dụng phương pháp thủ công là bắt bằng tay. Để làm được điều này, cần xem tập tính ăn của ốc như thế nào, chẳng hạn như chúng hoạt động mạnh vào giờ nào trong ngày và thường tập trung ở phần đáy ao hay bờ ao. Sau đó, thử rải mồi nhử cho chúng lên phần bờ ao, rồi làm công cụ giống như công cụ cào sò biển để cào chúng. Chú ý không nên cào ở phần đáy ao, vì nếu làm vậy chất độc dưới đáy ao sẽ hòa tan vào nước gây nguy hiểm cho tôm nuôi. Hoặc cũng có thể dùng vó để bắt ốc, bằng cách cho các thức ăn vụn (nhỏ hơn cỡ thức ăn của tôm) vào vó, chờ ốc vào ăn, vớt lên và bắt dần đi.

Ngoài ra, có một phương pháp diệt ốc trong ao nuôi tôm cũng rất đơn giản, đó là dùng các tấm phên (nan) được đan bằng tre đặt xung quanh ao nuôi. Ốc rất thích bám vào các giá thể này. Hằng ngày hoặc hàng tuần sẽ lấy lên và bắt ốc. Cách bắt này tương đối hiệu quả trong các ao đang nuôi tôm. Tuy nhiên, trước khi sử dụng hình thức này, cần lưu ý xem có làm ảnh hưởng đến tôm hay không ?

Động vật hai mảnh vỏ

Các loài động vật hai mảnh vỏ như hến, vẹm, trai, hàu,… ăn tảo bằng cách lọc chúng thông qua các tiêm mao. Khi quần thể các loài này phát triển quá mức trong ao tôm sẽ làm giảm mật độ tảo, làm tăng độ trong của nước ao; Cạnh tranh thức ăn, Ôxy hòa tan với tôm; Hấp thụ nhiều vi khoáng  đặc biệt là canxi carbonate (CaCO3) để duy trì và phát triển vỏ, làm lượng khoáng chất trong ao nhất là canxi và độ kiềm của nước giảm mạnh làm tôm bị mềm vỏ, tôm chậm tăng trưởng, tăng tỷ lệ phân đàn, thậm chí có thể gây chết tôm. Ngoài ra chúng còn là nguồn mang nhiều mầm bệnh có thể lây truyền sang tôm.

Để phòng ngừa các loài hai mảnh vỏ gây hại trong ao tôm, người nuôi cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật cải tạo ao nuôi, nạo vét hoặc hút bớt bùn đáy ao nuôi, rải vôi và phơi ao, lấy nước qua túi lọc, diệt tạp, diệt khuẩn đúng kỹ thuật. Tốt nhất là xây dựng hệ thống ao lắng xử lý nước kỹ trước khi lấy nước vào ao nuôi. Việc phòng ngừa hến, vẹm, trai, hàu,… xâm nhập vào ao nuôi sẽ hiệu quả và ít tốn kém hơn là xử lý.

Sứa nước

 Sứa sẽ xuất hiện trong ao nuôi tôm qua quá trình cấp nước. Để hạn chế, người nuôi tôm cần chủ động diệt sứa trong ao nuôi, với biện pháp cải tạo ao cũng như diệt tạp thật tốt. Khi lấy nước vào ao chứa, cần lọc nước bằng vải thật dày, may 2 lớp và để nước được ổn định trong vài ngày. Chạy quạt nước liên tục để kích thích các loại ấu trùng, trứng sứa hay ốc, cá tạp. Sau đó, xử lý nước cấp trong ao chứa nước với Chlorine. Ngoài ra cũng có thể dùng một số hóa chất diệt tạp có nguồn gốc rõ ràng và được phép lưu hành. Quá trình nuôi, sử dụng lưới dệt màu xanh rêu có sợi chỉ lớn bằng nilon ít thấm nước và có độ chắc cao. Chọn lưới sợi 3,6 mm, kích thước lỗ lưới 2,5 cm. Chiều dài của lưới tương đương chiều dài của dàn quạt nước. Dùng cây tầm vông nẹp hai đầu, cắm cọc, căng thẳng trước mỗi dàn quạt nước. Cắm bằng mép nước cách dàn quạt khoảng 1,5 m. Khi quạt nước chạy sẽ tạo nên dòng chảy, sứa và trứng sứa bị cuốn trôi theo dòng chảy va đập vào lưới sẽ bị vỡ. Để đạt hiệu quả cao nhất, cần định kỳ từ 7 – 10 ngày dùng bàn chải vệ sinh lưới.

 

Dùng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ để chắn cống cấp nước và cống thoát nước trong ao nuôi tôm

 

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc diệt tạp nguồn gốc Saponin có thể diệt những loài địch hại trong ao nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi có thể dùng một số loại thảo mộc như cây thuốc cá, cây bồ hòn, cây thàn mát vì ít gây độc hại cho tôm và môi trường.

 

Hữu Thái-Mạnh Hùng